Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024, 05:55:43 CH, GMT +07:00


Thứ Ba, 16/1/2018
Thủ tướng dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Bộ Xây dựng
Chiều ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 của ngành Xây dựng. Ngành Xây dựng thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 trong bối cảnh tình hình trong nước có nhiều thuận lợi: Chính trị - xã hội ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực. Khu vực xây dựng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động tổ chức, ban hành đầy đủ, kịp thời và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện của Ngành với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của Ngành, rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là các công cụ để kiểm soát có hiệu quả các hoạt động xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thị trường bất động sản, nhà ở và nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch, hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực của Ngành mới được ban hành và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng.

Định hướng trên và được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn Ngành, ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Xây dựng.

Hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016), đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38 - 40%). Hiện cả nước có 813 đô thị (tăng 11 đô thị so với năm 2016).

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77% (tăng 2% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 3% so với năm 2016). Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4% (tăng 0,4% so với năm 2016).

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5% (tăng 1,0% so với 2016).

Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5% (tăng 0,5% so với 2016). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% (giảm 0,5% so với 2016).

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2sàn/người, tăng 0,6m2 sàn/người so với 2016.

Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 81 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm.

14h40’, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục chia sẻ giải pháp kinh nghiệm phát triển đô thị. Theo đó, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng địa giới hành chính tạo điều kiện cho thành phố xây dựng không gian đô thị hiện đại bên cạnh đô thị cổ kính. Hiện Hà Nội có diện tích 3.344km, dân số khoảng 7,9 triệu người.

Bên cạnh tiềm năng, thành phố đang đứng trước thách thức về ngập lụt, ô nhiễm, trật tự văn minh đô thị… Do vậy, thành phố cần sự quan tâm và có định hướng giải pháp đảm bảo phát triển bền vững.

Trong công tác phát triển đô thị, thành phố đạt nhiều kết quả, hệ thống hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, cải thiện… Công tác đảm bảo trật tự đô thị dần đi vào nề nếp.

Hà Nội đã ban hành các quy chế về quy hoạch, cơ bản hoàn thành khu hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, hiện đang xây dựng các quy chế, quy chuẩn quy hoạch cho các quận huyện. Đồng thời, Hà Nội xây dựng công viên cây xanh, hồ nước, hệ thống gara ngầm, trạm dừng nghỉ…

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, Hà Nội triển khai nhanh các thủ tục đầu tư các công trình trọng điểm, với các giải pháp đồng bộ, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm các điểm nóng ùn tắc giao thông so với năm 2016.
Trong phát triển nhà ở, đến 2020, thành phố triển khai chủ trương phục vụ tái định cư theo đặt hàng. Trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung phát triển nguồn nước, hạn chế sử dụng nước ngầm. Hiện có 98% người dân sử dụng nước sạch, khu vực nông thôn gần 50% người dân sử dụng nước sạch (năm 2016 là 37%). Khu vực nội thành giải quyết tình tạng úng ngập, còn 16 điểm so với năm 2016 là 24 điểm.

Bên cạnh đó, thành phố đã trồng mới 540.000 cây xanh; tập trung đẩy nhanh xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện…

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp, ông Dục cho biết: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch bao gồm quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch nông thôn, chương trình phát triển đô thị, quy hoạch giao thông, kế hoạch phát triển nhà ở; Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị, tập trung chỉ đạo các dự án hạ tầng, mặt bằng, hoàn thiện các khu đô thị mới, ưu tiên các khu đô thị mới phía Đông, chuẩn bị quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, hướng tới đẩy mạnh phát triển các khu đô thị vệ tinh; Thứ ba, nâng cao hiệu quả đầu tư; Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, xác định rõ người rõ việc; Thứ năm, khuyến khích tiến tới áp dụng công nghệ cao phát triển độ thị thông minh, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng tiện ích, điều hành hệ thống giao thông, cấp điện, nước… Thứ sáu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tổ chức cá nhân về tầm quan trọng của công tác quy hoạch.

14h50’, tham luận tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong năm 2017, TP đã ban hành quy trình thực hiện thí điểm cơ chế một của liên thông điện tử với nội dung chính là thực hiện cùng lúc 3 hồ sơ và hoàn toàn nộp qua mạng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có thể nộp đồng thời ba hồ sơ trên với các hồ sơ khác. Cơ chế này bắt đầu thực hiện từ 15/10/2017 và TP đã giải quyết được 22 hồ sơ trên tổng số 286 giấy phép đã cấp của cả năm.

Sau ba tháng thí điểm, cơ chế một cửa liên thông điện tử được doanh nghiệp và người dân đánh giá là hiệu quả, tính khả thi cao.
 
Cùng với cơ chế một cửa, TP đã tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy trực tuyến và trả lời trực tuyền được đánh giá tốt. Số hồ sơ nộp trực tuyến cao hơn nộp trực tiếp là 134,25%.

Trong lộ trình xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành TP thông minh thì việc ứng dụng cơ chế lưu thông một cửa, đặc biệt là trong cấp phép xây dựng là một giải pháp được đánh giá cao.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật

Thanh Nga - Linh Anh - Vân Anh

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia