Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024, 10:07:42 SA, GMT +07:00


Thứ Năm, 3/9/2015
Công trình Nhà Quốc hội: Huy động sức mạnh toàn ngành Xây dựng
Theo Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội, tháng 9 này, công trình Nhà Quốc hội (NQH) do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư sẽ chính thức được bàn giao. Trước đó, từ tháng 10/2014, công trình NQH đã được đưa vào phục vụ 2 kỳ họp chính của Quốc hội và hàng chục cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc họp, sự kiện lớn khác của Quốc hội như Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Hiện công trình NQH đã đi vào vận hành ổn định.

Vậy là sau quá trình đầu tư xây dựng kéo dài hơn 5 năm, công trình NQH đã hoàn tất. Song ít ai biết, để có một NQH - biểu tượng mới của đất nước Việt Nam hôm nay, ngành Xây dựng đã nỗ lực không ngừng.

Dấu ấn của các nhà thầu

Công trình NQH được khởi công xây dựng ngày 12/10/2009 tại Trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội). Đây là một công trình đặc biệt về cả quy mô lẫn ý nghĩa. Công trình không chỉ là trụ sở làm việc của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nằm trong khuôn viên Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mà còn có ý nghĩa rất lớn về chính trị, tâm linh… Hơn thế, NQH là một công trình xây dựng trụ sở cơ quan Trung ương lớn nhất, lần đầu tiên Việt Nam có, đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp và thời gian thi công lại rất gấp.

Được giao làm chủ đầu tư NQH, Bộ Xây dựng nhận thấy đây là niềm vinh dự, tự hào. Để thực hiện tốt trọng trách, đầu tư xây dựng công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ và an toàn, Bộ Xây dựng đưa vào công trình những nhà thầu mạnh của ngành. Mỗi nhà thầu, mỗi lực lượng, ở những vị trí công việc, chức năng của mình, đều có những đóng góp không nhỏ.

Đó là TCty Sông Đà, trong giai đoạn thi công phần ngầm và thân công trình NQH đã tập trung lực lượng xe máy, thiết bị hiện đại, đặc chủng, ứng dụng công nghệ thi công tiên tiến và đưa vào công trình đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sông Đà chấp nhận tăng chi phí vì phải áp dụng nhiều biện pháp thi công đặc thù để bảo đảm tiến độ và chất lượng hạng mục.

Đó là nhà thầu TCty COMA ghi dấu ấn qua việc lắp đặt thành công cốt cứng của 8 siêu cột có chức năng chịu tải cho toàn bộ phòng họp chính NQH và chế tạo lắp đặt toàn bộ kết cấu hệ thép mái phòng họp chính. Kết cấu thép mái NQH không quá khó nhưng có đặc thù là hình thù phức tạp, kích thước lớn, nhiều mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, dung sai tương đối khắt khe, đòi hỏi nhà thầu phải giàu kinh nghiệm và bản lĩnh, sáng tạo trong quá trình thi công. Nếu không quyết tâm cao và có phương án triển khai chặt chẽ thì với khối lượng công việc này thời gian triển khai có thể tăng gấp rưỡi so với tiến độ đặt ra.

Đó là nhà thầu TCty LILAMA trong công tác lắp đặt hệ thống điện và kết cấu thép của công trình. Để đảm bảo hoàn thành các công việc theo yêu cầu, LILAMA luôn tập trung đầy đủ máy móc thiết bị tốt nhất phục vụ thi công công trình, đặc biệt có một số thiết bị chưa từng được sử dụng ở Việt Nam. LILAMA cũng đã chủ động cử cán bộ sang tận nhà máy sản xuất ở Đức để mua thiết bị phục vụ thi công cũng như chấp nhận đặt hàng vận chuyển bằng máy bay khiến chi phí tăng lên rất nhiều…

Đó là dấu ấn của các CBCNV TCty LICOGI trong công tác thi công tường vây, thi công ngầm những ngày đầu, thi công cải tạo đường Bắc Sơn ở giai đoạn hoàn thiện dự án sau này…

Công trình NQH không chỉ là cơ hội để ngành Xây dựng tung vào trận những nhà thầu uy tín còn môi trường để các nhà thầu tư vấn ngành khẳng định tên tuổi. Tại lễ nhận Giải thưởng Lớn Giải thưởng kiến trúc Quốc gia năm 2014 chính KTS Dirk Heller - thành viên nhóm tác giả thiết kế công trình NQH chính thức công nhận: Chúng tôi không phải là những tác giả duy nhất. Chúng tôi luôn có sự hợp tác với đội ngũ chuyên gia, nhà thầu đối tác Việt Nam như TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC), Cty CP Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC). Họ đã thực hiện dựa trên ý tưởng của chúng tôi và không thay đổi ý tưởng của chúng tôi. Họ đưa ra những chi tiết để có thể thực hiện được các ý tưởng đó. Giữa Gmp và các đối tác Việt Nam không có cảm giác là đối thủ của nhau mà là một nhóm để cùng nhau thực hiện công việc. Do vậy Giải thưởng lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia cũng là giải thưởng và là niềm tự hào cho cả họ nữa…

Sự quyết liệt của người đứng đầu

Nếu các nhà thầu tham gia dự án đối diện với tiến độ đường găng thi công vào các thời điểm mình tham gia thì với các cán bộ của BQLDA Đầu tư Xây dựng NQH và Hội trường Ba Đình (mới), đường găng nối tiếp đường găng. Mỗi giai đoạn khác nhau, dự án có những khó khăn, đặc thù riêng. Nếu ở giai đoạn đầu, áp lực chính việc điều phối, xác định ưu tiên các nhà thầu trên một mặt bằng chật hẹp thì ở giai đoạn phê duyệt và triển khai các gói thầu, công việc thì phức tạp hơn nhiều. Nhất là ở giai đoàn hoàn thiện, áp lực lớn nhất BQLDA phải chỉ đạo, phối hợp tổ chức thi công hiệu quả cho gần 50 nhà thầu với hàng nghìn công nhân thi công. Mỗi ngày bố trí làm 3 ca, ít nhất 1.500 - 2.000 người làm việc trên công trường…


Trong quá trình đầu tư xây dựng, công trình NQH luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Không chỉ có các nhà thầu đưa vào công trình những lực lượng mạnh nhất mà ngay cả chủ đầu tư, với ý thức trách nhiệm lớn lao, Bộ Xây dựng đã tung vào công trình những cán bộ giỏi ở tất cả các khâu, bộ phận giúp việc. Đặc biệt, Bộ trưởng đã phân công Thứ trưởng Cao Lại Quang trực tiếp chỉ đạo công trình. Đều đặn hàng tuần, Thứ trưởng chủ trì giao ban, điều hành công việc, chỉ đạo trực tiếp tại công trường cũng như chỉ đạo xử lý các phát sinh. Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc, xung đột trong quá trình phối hợp giữa các nhà thầu đều sớm được giải quyết.

Khi dự án NQH bước vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị đưa vào phục vụ kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2014), theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng “nằm lại công trường”...

Và không chỉ có riêng Thứ trưởng, cũng trong những ngày nước rút, đích thân Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thường xuyên có mặt tại công trình kiểm tra, chỉ đạo công tác hoàn thiện. Đều đặn ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, Bộ trưởng thực hiện kiểm tra công trình. Ông chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu tổ chức thi công hợp lý, bố trí đủ nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ kỹ sư, công nhân nhân kỹ thuật lành nghề; yêu cầu dự án phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn; tư vấn giám sát tăng cường kiểm tra giám sát…, bảo đảm thi công đạt tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Bộ trưởng luôn yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải coi việc tham gia đầu tư xây dựng NQH đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung và trực tiếp chỉ đạo trên công trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn… Nhiều khi, đích thân Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ…

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng tham gia công trình, NQH đã về đích đúng hẹn và trở thành công trình điển hình, từ quá trình đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát… Công trình đã đạt được nhiều yêu cầu, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, không chỉ mang vừa mang dấu ấn văn hóa đặc sắc của Việt Nam mà còn có ý nghĩa là công trình tiên tiến, mang tính thời đại của khu vực.

Quý Anh/ Báo Xây dựng

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia