Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024, 02:41:34 CH, GMT +07:00


Chủ Nhật, 7/8/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội
Sáng 7-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và thành phố Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Thủ tướng đi kiểm tra thực địa tại ga S9 - Kim Mã. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngoại giao, Công an, Tư pháp và thành phố Hà Nội; đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Dự án đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, được UBND thành phố Hà Nội khởi công vào tháng 9-2010. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Trước buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã khảo sát, kiểm tra thi công các hạng mục công trình tại Nhà ga S9 - Kim Mã; khảo sát Nhà ga S8 - Cầu Giấy; kiểm tra đoàn tàu và đi tàu từ Ga S8 về Depot – điểm cuối của tuyến đường sắt.


T
hủ tướng kiểm tra các hạng mục thi công Nhà Ga S9 - Kim Mã dưới lòng đất nhằm tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Kiểm tra các hạng mục thi công Nhà ga S9 - Kim Mã dưới lòng đất, Thủ tướng Chính phủ tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án, cũng như nghe chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất các giải pháp khắc phục.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cố gắng có giải pháp tối ưu nhất; cùng với đó yêu cầu các nhà thầu phải tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đảm bảo tiến độ.

Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Sau khi thăm Nhà ga S8 - Cầu giấy, ga cuối cùng phần trên cao của tuyến đường, chuẩn bị xuống hầm ngầm, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác trải nghiệm đi tàu điện đang trong giai đoạn thử nghiệm từ ga Cầu Giấy qua 8 ga trên tuyến để tới ga Nhổn và tới khu Depot.

Thăm khu Depot, sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai các hạng mục công trình tại đây, cũng như những khó khăn, vướng mắc khiến chậm tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những vướng mắc, khó khăn sẽ được xác định và giao từng ngành, đơn vị có trách nhiệm giải quyết.

Thủ tướng yêu cầu nhà thầu khắc phục khó khăn, với trách nhiệm trước đất nước, nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Theo đó, đơn vị phải xây dựng lại kế hoạch tiến độ thi công; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp; hằng tuần phải giao ban để kiểm tra tiến độ, rà soát công việc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc; phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu với các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng dự án đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng đã đi kiểm tra thực địa tại ga S9 - Kim Mã, sau đó di chuyển trên tàu từ ga S8 về Depot (Trung tâm Điều khiển) tại Nhổn và kiểm tra thực địa tại Depot này. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
* Tại các điểm đến kiểm tra, khảo sát, Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho đội ngũ kỹ sư, công nhân các đơn vị đang thực hiện dự án; động viên kỹ sư, công nhân giữ gìn sức khỏe, tổ chức thi công khoa học, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
 
Thủ tướng tặng quà cho đội ngũ kỹ sư, công nhân các đơn vị đang thực hiện dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
* Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án khởi công từ năm 2008 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Song đến nay, tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu lên hơn 34 ngàn tỷ đồng. Nếu không có giải pháp quyết liệt thì dự án có thể tiếp tục kéo dài và phát sinh các yếu tố khác.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ rất quan tâm tới dự án này. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có những vướng mắc.

Do đó, Thủ tướng có buổi kiểm tra thực tế và tổ chức cuộc làm việc này để rà soát tổng thể tình hình triển khai dự án; xác định những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những vướng mắc; thẩm quyền giải quyết thuộc bộ, ngành, đơn vị, địa phương nào; giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án; mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới của từng bộ, ngành, địa phương; mốc tiến độ cần đạt được và công tác tổ chức thực hiện...

 “Từ việc thực hiện dự án này, chúng ta rút ra kinh nghiệm cho các dự án khác, trong đó có các dự án mở rộng không gian phát triển thành phố Hà Nội”, Thủ tướng chỉ rõ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, các nhà thầu, đơn vị tư vấn và thành phố Hà Nội phát biểu, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ và đội vốn. Theo đó, nguyên nhân của tình trạng này, trước tiên là do dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong khi các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm nên có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; thực hiện các quy chuẩn, quy trình thi công; quy chuẩn thiết bị, quy trình vận hành, khai thác...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngoài ra, các gói thầu vừa phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, trong khi những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ; giá vật liệu, thiết bị, vật tư thay đổi... vì vậy khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cho dự án gặp nhiều khó khăn khi hầu hết mặt bằng thi công là trên các tuyến chính của thành phố có lưu lượng giao thông lớn; tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp... Về chủ quan, một phần do sự phối hợp chỉ đạo, điều hành của một số bộ và địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội phải chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất trong thực hiện dự án này. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thực chất dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong những dự án tồn đọng. Việc dự án bị kéo dài, đội vốn khiến nhân dân và cả chúng ta đều băn khoăn, trăn trở, sốt ruột.

Trách nhiệm việc dự án bị kéo dài, đội vốn thuộc về chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội; các nhà tư vấn; các nhà thầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa UBND thành phố Hà Nội với các bộ, ngành cũng chưa chặt chẽ; các phát sinh chưa kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rõ một số mục tiêu phải đạt được. Theo đó, về tiến độ phải hoàn phần trên cao của dự án trước ngày 31-12-2022; về tuyến ngầm, nghiên cứu biện pháp thi công, rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành so với đề xuất là năm 2027. Về vốn đầu tư, Thủ tướng đề nghị không vay thêm vốn ODA cho dự án này mà sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Đối với những vướng mắc về sự khác biệt giữa quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế thì rà soát lại, vận dụng pháp luật Việt Nam là chính, những vấn đề liên quan quốc tế thì bàn bạc, phối hợp thực hiện.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động rà soát các thủ tục về dự án; xác định rõ vướng mắc những gì, ở đâu, trách nhiệm của ai để giải quyết. Song song với đó, khẩn trương hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư trước để làm các bước tiếp theo. Những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục phối hợp, bàn bạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng tổ công tác đôn đốc, giải quyết các vướng mắc trong đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.


Chủ đầu tư đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ các vấn đề liên quan dự án. Các bộ, ngành phải quyết liệt vào cuộc với tiến độ cụ thể cho từng công việc.

Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn cho thành phố Hà Nội các thủ tục liên quan vay vốn, tháo gỡ vướng mắc trong tháng 8 này. Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiệm thu các hạng mục thuộc thẩm quyền. Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội các quy trình, quy chuẩn trong tháng 8. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp xây dựng các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về định mức, đơn giá. Thành phố Hà Nội phải tuân thủ hợp đồng, các hướng dẫn khác, các Nghị định thư, hoàn thành trước 15-9.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở xử lý tồn đọng của dự án Cát Linh - Hà Đông, nếu các bộ, ngành không quyết liệt vào cuộc thì sẽ bị kéo dài mãi; phải xắn tay vào cùng Hà Nội, chúng ta đã ban hành liên tục các văn bản chỉ đạo. Các đồng chí phải chủ động, tích cực giải quyết hiệu quả, khi có vướng mắc phải giải quyết, tránh đùn đẩy. Bộ, ngành nào còn vướng mắc vấn đề gì thì theo quy chế làm việc của Chính phủ, bộ, ngành đó phải phối hợp giải quyết cụ thể. 

Thủ tướng giao thành phố Hà Nội tổng kết dự án này, rút kinh nghiệm những gì được, chưa được để triển khai dự án tiếp theo. Trong đó, lưu ý thay đổi phương thức đầu tư, không thể chỉ dựa vào vốn vay, vốn nhà nước, phải gồm cả BOT, BT; huy động nhiều ngồn vốn khác nhau; lưu ý trong chọn nhà thầu tư vấn, tổng thầu có năng lực; triển khai các chương trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó...

Theo TTXVN dientu@hanoimoi.com.vn

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia